CHÍNH SÁCH MỚI CHUẨN HÓA CÔNG CHỨC
Sơ kết thực hiện Nghị quyết 119 (NQ 119) ngày 19.6.2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) và một số cơ chế,Ưuviệtmôhìnhchínhquyềnđôthịđá nhân tạo chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng (từ ngày 1.7.2021), Thành ủy Đà Nẵng nhận định việc thực hiện thí điểm mô hình gắn với đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền bước đầu phát huy tính ưu việt, đảm bảo dân chủ và mang lại một số kết quả tích cực.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, về quản lý biên chế công chức phường, HĐND TP đã phân bổ 675 biên chế công chức làm việc tại UBND của 45 phường (bình quân 15 người/phường) và quyết định số lượng biên chế công chức của UBND phường ở từng quận. Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ của từng phường, UBND quận quyết định cụ thể số lượng công chức của từng vị trí chức danh công chức làm việc tại UBND phường.
Với đặc điểm công chức của UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận và do UBND quận quản lý, sử dụng, UBND TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo xây dựng, thẩm định và phê duyệt đề án vị trí việc làm của UBND 45 phường trên địa bàn phù hợp với chế độ công chức, công vụ mới khi thực hiện thí điểm CQĐT.
"Đây là cơ chế, chính sách mới tạo cơ sở cho việc chuẩn hóa đội ngũ công chức phường theo hướng chuyên nghiệp; tạo sự chủ động, linh hoạt, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyên, điều động cán bộ giữa quận - phường và ngược lại", ông Quảng đánh giá. Theo kết quả khảo sát, 91,5% cán bộ, công chức, viên chức đánh giá việc thực hiện chế độ công vụ mới này là hợp lý, đem lại kết quả tích cực trong thực hiện nhiệm vụ so với trước đây.
ĐỀ NGHỊ ÁP DỤNG CHÍNH THỨC
Tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vào ngày 11.11 vừa qua, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Quốc hội cho phép TP.Đà Nẵng áp dụng chính thức mô hình CQĐT và sửa đổi, bổ sung một số quy định để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập khi thực hiện. Ông Nguyễn Văn Quảng cũng đề nghị Quốc hội sau khi sơ kết NQ 119 cho phép TP.Đà Nẵng được áp dụng các cơ chế chính sách tương tự như một số địa phương, gồm: cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư, về quy hoạch, đô thị và tài nguyên - môi trường; chính sách về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ chế, chính sách tiền lương và tổ chức bộ máy chính quyền.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét tuy việc thực hiện NQ 119 trong thời gian ngắn, lại đúng thời điểm bị tác động nặng nề của Covid-19 nhưng đã đạt một số kết quả tích cực. Trong đó, nổi bật là bộ máy chính quyền TP gọn nhẹ, hoạt động thông suốt hơn, cơ quan hành chính tích cực, chủ động điều hành, giải quyết kịp thời và hiệu quả các vấn đề cấp bách ở địa phương; góp phần tích cực vào cải cách hành chính, tạo môi trường tín nhiệm cho du khách, người dân và doanh nghiệp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đà Nẵng cần chủ động phối hợp với các cơ quan sơ kết thi hành NQ 119 để đề xuất với T.Ư, Bộ Chính trị chỉ đạo, bàn bạc với Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ cho phép xây dựng NQ mới thay thế, bổ sung cho NQ 119; nghiên cứu kỹ lưỡng các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội áp dụng cho các địa phương khác trong thời gian qua để làm cơ sở cho việc đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo động lực phát triển vượt trội TP trong thời gian tới.
ĐỘT PHÁ DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thông tin sau 1 năm triển khai đề án Phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước gắn với thí điểm tổ chức mô hình CQĐT giai đoạn 2021 - 2026, Thành ủy đã chỉ đạo rà soát, xem xét điều chỉnh hoặc bổ sung các nội dung phân cấp, ủy quyền đảm bảo theo quy định và phù hợp thực tiễn, điều kiện tại các địa phương, đơn vị.
Qua hơn 2 năm triển khai thí điểm, cơ quan hành chính quận, phường đổi mới cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ đã phát huy tính chủ động, tăng thẩm quyền và chế độ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu quận, phường. Các cơ quan, địa phương, đơn vị triển khai đồng bộ các nội dung kế hoạch cải cách hành chính, mở rộng các tiện ích hỗ trợ người dân trong thực hiện dịch vụ công góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân; từng bước chuyển đổi phương thức làm việc của các cơ quan từ môi trường truyền thống sang môi trường số dựa trên dữ liệu số và công nghệ số.
Đến nay, tại TP.Đà Nẵng, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 93%, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến 73% (gấp 1,3 lần tỷ lệ trung bình toàn quốc, vượt hơn chỉ tiêu quốc gia năm 2022 là 50%). UBND TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai 1.867 dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 (trong đó có 1.835 dịch vụ mức 4). Việc triển khai thực hiện cơ chế quản lý tài chính, ngân sách đạt được một số kết quả, gồm: các khoản thu trên địa bàn quận, phường được chuyển về ngân sách TP quản lý, đã tập trung được nguồn lực lớn cho ngân sách TP; các khoản chi tiêu được thực hiện đảm bảo đúng định mức, chế độ; tiết kiệm trong sử dụng ngân sách.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết thêm việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù đạt được nhiều kết quả bước đầu quan trọng. Về tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TP, Quốc hội đã quyết định tỷ lệ phân chia các khoản thu cho năm 2022 giữa ngân sách T.Ư là 9% và ngân sách TP được hưởng 91%. Đối với giai đoạn 2023 - 2025, tỷ lệ phân chia ngân sách T.Ư là 17% và ngân sách TP được hưởng 83% (tỷ lệ hưởng giai đoạn 2017 - 2021 là 68%). "Như vậy, so với giai đoạn trước, T.Ư đã quan tâm quyết định tỷ lệ điều tiết phù hợp cho ngân sách TP để đảm bảo nguồn lực phát triển KT-XH thành phố", ông Quảng đánh giá.